Bước vào độ tuổi chín muồi của tuổi trẻ, người đẹp biển Ninh Hoàng Ngân khẳng định bản thân đã thấu hiểu chính mình để sẵn sàng “gieo tưới” và “ươm trồng” những khát khao sâu kín trong hành trình sự nghiệp, vượt qua nhiều năm sống trong an toàn và chưa nuôi đủ khát vọng…
Xin chào Hoàng Ngân! Từ một cô gái bước ra từ các cuộc thi sắc đẹp đến rẽ lối trở thành một người phụ nữ làm kinh doanh, bản thân chị đã có những biến chuyển như thế nào?
Đến với nghệ thuật là một cơ duyên, nhưng tôi nhận thấy bản thân rất đam mê kinh doanh đặc biệt là ý tưởng và các con số. Tôi bắt đầu tiếp xúc với kinh doanh trong khi chưa hề được đào tạo qua trường lớp nên khái niệm này trong tôi vốn rất mơ hồ vào những ngày đầu tiên. Khi đó với hiểu biết hạn chế, tôi cho phép bản thân là một “tờ giấy trắng” để học hỏi từng ngày và dung nạp những kiến thức mới, nếu làm sai ở đâu sẽ cố gắng tìm ra bài học kinh nghiệm hay thậm chí trả giá ở đấy để rồi biết cách làm lại cho tốt và hiệu quả hơn.
Sau gần 5 năm làm việc tại TG Food là công ty khởi nghiệp của chồng, tôi đã tích lũy được cho mình nhiều kiến thức về xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống cũng như quản lý đội ngũ. Có thể nói, tôi hoàn toàn hài lòng với sự thay đổi này. Tôi luôn quan niệm rằng mọi thứ đều phải xuất phát từ bên trong, một khi đã nuôi quyết tâm “không được bỏ cuộc” thì bản thân sẽ luôn giữ được sự tập trung và cố gắng trở thành người có trách nhiệm với những lựa chọn của mình.
Sau khi đã có những hình dung khá đầy đủ về con đường kinh doanh này, bây giờ đã đến lúc chị “giương cánh buồm” để tạo nên những điều mới mẻ cho riêng mình chứ?
Quãng thời gian này chính là lúc tôi cảm nhận được những biến chuyển rõ rệt nhất trong con người mình, bởi tôi hiểu được bản thân đã tìm ra thứ mình thích và chính nó đã thôi thúc tôi không ngần ngại dấn thân để tạo nên những điều khác biệt. Mọi người cũng biết rằng, phụ nữ luôn có điểm chung là khi diện quần áo mới trong một dịp đặc biệt nào đó, họ sẽ luôn cảm thấy tự tin và phấn chấn hơn hẳn so với khi diện những bộ trang phục mình đã mặc trước đó. Đối với họ, việc xuất hiện trước nhiều người rất quan trọng, quan trọng trong cách người đối diện đánh giá mình và đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao sự tự tin của bản thân. Nhưng việc đắn đo suy nghĩ về giá cả hay kiểu dáng khi mua một bộ trang phục mới cũng là nỗi lo không nhỏ đối với bất cứ phái nữ nào.
Thấu hiểu được điều đó cùng với thâm niên gần 10 năm làm người mẫu, có cơ hội tiếp xúc với các nhà thiết kế, nhiều nhãn hàng thời trang và có những cảm nhận nhất định về phom dáng cũng như chất liệu quần áo, tôi đã quyết định triển khai dự án ‘Swap your closer’ cung cấp dịch vụ cho thuê, chia sẻ thời trang để hoàn thiện vẻ ngoài cho phụ nữ.
Đây là mô hình đã tồn tại và thành công ở nước ngoài từ nhiều năm trước nhưng đối với Việt Nam thì lại là một khái niệm hoàn toàn mới mà ít ai biết đến hay có dịp tìm hiểu. Lựa chọn khởi nghiệp với mô hình lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam là thách thức rất lớn với tôi, nhưng nó cũng khiến tôi không khỏi cảm thấy phấn khích. Bởi vì nếu thành công, tôi sẽ có thể góp phần nâng tầm phong cách sống cho phụ nữ hiện đại ở thời điểm mà công nghệ số đang phát triển không ngừng trong việc cung cấp các tiện ích cuộc sống. Hơn hết, là một phụ nữ làm kinh doanh và yêu cái đẹp, tôi đặc biệt kỳ vọng rằng dự án này sẽ tạo nên giá trị và giúp hoàn thiện hình ảnh của những nữ doanh nhân Việt để họ có thể xuất hiện trước mọi người hoặc chốn thương trường một cách chỉn chu, tự tin thể hiện phong thái của mình.
Khi bắt tay vào thực hiện ắt hẳn chị phải đối diện với nhiều khó khăn, vậy đâu là cách chị xử lý khủng hoảng và thúc đẩy mình tiến về phía trước?
Đôi khi, mọi người vẫn nghĩ rằng lợi thế luôn nghiêng về các nghệ sĩ, người đẹp khi làm kinh doanh. Nhưng theo tôi là không! Bản thân mình khi làm kinh doanh sẽ phải đặt sản phẩm, dịch vụ lên hàng đầu, và khách hàng sẽ nhìn thấy chất lượng “diện mạo” của sản phẩm chứ không phải của người chủ đứng phía sau. Khi bắt đầu, tôi cảm thấy rất tự tin rằng mô hình này của mình sẽ được các nhà thiết kế, nhãn hàng và bạn bè ủng hộ. Thế nhưng, lúc bắt tay vào làm và trình bày mô hình kinh doanh thì hầu như mọi người đều gật gù cho qua hoặc từ chối hợp tác. Khủng hoảng bắt đầu xuất hiện khi những ý tưởng mình đưa ra bị đánh giá thấp và từ chối. Dù có buồn và thất vọng, nhưng tôi vẫn cố gắng thúc đẩy bản thân tiến về phía trước để tìm thấy những phương án tốt hơn.
Tôi bắt đầu tập trung tìm hiểu về thị trường và tìm đến những video phỏng vấn về các công ty, nhà sáng lập đã thành công hoặc có mô hình giống mình để học hỏi, tiếp thêm sự tự tin và nguồn động lực cho bản thân. Để rồi khi chuyển sang phương án mới là tự sở hữu các trang phục xu hướng mới nhất và tiếp cận đối tượng khách hàng từ kênh online là những người hoàn toàn xa lạ, tôi đã có những khách hàng đầu tiên tìm đến và thậm chí quay lại sử dụng dịch vụ thêm nhiều lần sau đó. Điều này chính là sự khích lệ to lớn tạo động lực mỗi ngày để tôi làm việc và phát triển mô hình ngày một tốt hơn.
Từ những trở ngại đã trải qua, đến giờ chị có còn tâm lý e sợ khó khăn và đối mặt với thất bại không?
Có chứ! Tôi nghĩ rằng, nếu làm việc gì đó một cách quá dễ dàng thì cũng không còn nhiều thú vị nữa. Đây là một mô hình mới nên cũng không có nhiều người đã từng trải nghiệm để có thể tư vấn cho tôi phòng tránh được rủi ro. Tuy sợ hãi, nhưng nếu có thể đối mặt và giải quyết được những khó khăn trong công việc đó thì tôi sẽ có thể trở thành một trong những người tiên phong, vì thế tôi cảm thấy có niềm tin và luôn giữ cho mình tâm thế sẵn sàng đối mặt dẫu cho khó khăn có thể tìm đến bất cứ lúc nào.
Ngoài khó khăn thì tôi còn phải thích nghi với nhiều điều mới mẻ khác, đặc biệt là với vai trò của một phụ nữ làm kinh doanh đáng tin cậy. Tôi tự nhận bản thân không phải là người chủ quản lý cảm xúc giỏi nhưng tôi lại là một người rõ ràng và không muốn tình cảm xen vào công việc hay trách nhiệm chung. Bên cạnh đó, tôi cũng không có khái niệm phải xây dựng một hình mẫu người chủ nào đó, mà bản thân luôn sống thật với cá tính và bản chất của mình. Tôi tin rằng qua mỗi ngày tiếp xúc và làm việc, những nhân viên làm việc cùng tôi sẽ có thể hiểu tôi hơn, đồng cảm được với những khó khăn và rồi tiếp tục đồng hành cùng tôi trên con đường đã chọn.
Hiện tại trong vai trò người khởi nghiệp với dự án đã đi vào hoạt động một thời gian, chị có nghĩ rằng mình có tham vọng trong kinh doanh không?
Thành thật mà nói thì tôi là người khá rụt rè và an toàn, ngay cả ông xã cũng đánh giá tôi là người không có tham vọng. Tuy nhiên, một khi đã quyết tâm thực hiện điều gì, tôi sẽ kiên định đến cùng và đề ra cho mình những hướng đi khá rõ ràng. Tôi không dám nói trước rằng mô hình kinh doanh của tôi sẽ mở rộng đến mức nào, nhưng tôi hy vọng có thể cùng mọi người xây dựng được một cộng đồng ứng dụng thời trang thông minh, biết chia sẻ và mang tới những giá trị xã hội như tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Bởi mọi người cũng biết rằng hiện nay xu hướng thời trang tái chế vẫn đang được các nhãn hàng hô hào để giảm bớt việc đào thải, từ đó xây dựng nền công nghiệp bền vững.
Người ta vẫn thường nói rằng nếu muốn đi nhanh hãy đi một mình, và tôi lựa chọn sẽ độc hành trong thời gian đầu để có thể là người đặt nền tảng theo ý muốn cá nhân và mong đợi của bản thân. Tôi chấp nhận rằng thời gian đầu mình sẽ phải thử nghiệm và sửa chữa khá nhiều vì vẫn chưa hiểu rõ về thị trường, nhưng tôi sẽ không ngừng tiếp xúc và học hỏi để ngày một hoàn thiện. Khi ổn định hơn, tôi sẽ tìm cho mình một người đồng hành để mở rộng mục tiêu và hướng đến những tham vọng vĩ mô hơn vì rõ ràng, một thân một mình thì thật khó để có thể làm giỏi và chu toàn được tất cả mọi công việc.
Trong việc kinh doanh không thể tránh khỏi những mâu thuẫn và xung đột ý kiến giữa những người điều hành. Chị có ngại điều này không khi khởi nghiệp với sự hỗ trợ của ông xã?
Tôi nghĩ rằng không chỉ là giữa vợ chồng, mà tất cả mọi người từ bạn bè đến người thân trong gia đình đều có thể xảy ra mâu thuẫn trong cuộc sống hay trong lúc làm việc chung. Cho nên mối quan hệ vợ chồng có thể đặc biệt hơn nhưng cũng tương tự như thế, sống với nhau từ năm này qua năm khác chúng ta càng không thể tránh được việc để xảy ra những bất đồng. Ngay cả khi bạn là một nhân viên, bạn cũng sẽ có những lúc không đồng tình với các góp ý hay kiến nghị của sếp. Vậy thì việc cả hai vợ chồng cùng làm việc chung trong một công ty, đôi khi vẫn sẽ phải nảy sinh nên hai luồng ý kiến hoặc đồng thuận hoặc phản bác. Trước đây khi làm việc tại công ty của ông xã, chúng tôi lựa chọn xử lý mọi việc theo phân cấp rõ ràng và không bao giờ được phép vượt quyền nếu việc đó nằm ngoài phạm vi xử lý.
Tuy nhiên, với mô hình mà tôi đang xây dựng thì hoàn toàn ngược lại, tôi thường tự xoay sở với những gì mình gặp phải và ít khi làm phiền chồng tôi. Trong những trường hợp thực sự cần hỗ trợ hay góp ý thì tôi vẫn sẽ tìm đến anh như một người đi trước để lắng nghe những chia sẻ, cố vấn và lời khuyên anh dành cho mình.
Vậy đối với chị, sự thành đạt có phải là kiếm được nhiều tiền không? Chị đánh giá một người được gọi là thành đạt dựa trên những tiêu chí nào?
Để đánh giá một công ty thành công, một dịch vụ có giải quyết được nhu cầu của khách hàng hay sản phẩm có bán được hay không đều sẽ được quy ra và quyết định bởi doanh thu và lợi nhuận. Vì vậy, tôi cho rằng tiền là “một phần” góp sức vào sự thành đạt nhưng không phải là yếu tố quan trọng nhất và quyết định tất cả. Trong suốt hành trình phấn đấu của mình từ trước đến nay, tôi luôn tự nhủ rằng việc kiếm tiền không phải là mục tiêu cuối cùng.
Tuy hiện tại tôi chỉ mới ở giai đoạn khởi nghiệp và chưa thể gọi là thành đạt, nhưng tôi hy vọng với những gì mà tôi đang theo đuổi và nỗ lực, tôi có thể mang đến những điều có giá trị thậm chí là khác biệt để mọi người luôn nhận diện và ghi nhớ thương hiệu, tìm đến sử dụng khi có nhu cầu. Nói rộng hơn, miễn sao là bạn ‘thỏa mãn’ những mục tiêu mình đề ra, ‘vui vẻ’ với công việc mình lựa chọn và cảm thấy ‘đủ đầy’ để tự tin chu cấp cho những người mình yêu thương thì đó chính là lúc bạn có thể tự tin nói rằng bản thân đã thành đạt. Dĩ nhiên, cái đủ đó không chỉ bao gồm đảm bảo tiêu dùng, sinh hoạt hàng ngày mà còn cả khoản tiết kiệm để đề phòng và điều hướng những rủi ro.
Tự mình đứng ra kinh doanh nhưng chị có phải là mẫu phụ nữ độc lập tự chủ không? Chị đã đối diện với những khoảnh khắc cô đơn thế nào để “chèo chống” với những gánh nặng trên vai?
Cũng có những lúc tôi rơi vào trạng thái tiêu cực và khi đó tôi thường sẽ không mang cảm xúc ấy bên mình lâu dài mà chỉ cho phép bản thân được buồn bã trong phút chốc bởi nếu cứ nhớ đến thì chứng tỏ mình vẫn chưa vượt qua được. Vì vậy có thể nói tôi không phải là mẫu phụ nữ thích độc lập, tự chủ trừ khi hoàn cảnh bắt buộc. Tôi vẫn muốn bên cạnh có một người sẵn sàng hỗ trợ mình khi cần, đương nhiên tôi sẽ rất hạn chế làm phiền, tôi chỉ cần biết rằng người đó luôn tồn tại và dõi theo mình là được.
Thỉnh thoảng, cảm giác “chèo chống” cũng đến khi mà tôi phải tự lo cho bố mẹ, tự xử lý những việc liên quan vì đôi khi không tiện nói cho ông xã, hoặc khi tôi phải tự mình “quay vòng” với việc nhà cửa khi ông xã quá bận. Nhưng sau cùng, với tôi đó cũng là một niềm vui vì mình còn có gia đình để gánh vác và thể hiện trách nhiệm. Có thể nói, hiện tại chính là thời điểm tôi hiểu rõ bản thân mình nhất để biết mình muốn gì, cần gì và nên tập trung những năng lượng lạc quan nhất vào điều gì.
Đôi khi chúng ta nghĩ rằng phụ nữ phải thật mạnh mẽ và độc lập để làm chủ cuộc đời mình. Nhưng suy cho cùng, tôi nghĩ rằng bất cứ người phụ nữ nào cũng nên có một bờ vai bên cạnh, không chỉ để mình dựa vào lúc khó khăn, mà người đó còn có thể lắng nghe, chia sẻ cảm giác thành công, hạnh phúc cùng mình, khuyến khích và giúp mình mở rộng những lựa chọn để khám phá về tính cách và bản thân nhiều hơn.
Là phụ nữ, chị nghĩ thế nào về sự hy sinh của phụ nữ vẫn thường được nhắc đến? Chị có cho rằng sự hy sinh của người phụ nữ để chu toàn cho tổ ấm là một thiệt thòi với họ hay không?
Tôi rất trân trọng sự hy sinh của phụ nữ trong hôn nhân, mẹ của tôi cũng là một ví dụ điển hình về mẫu người giàu đức hy sinh trong cuộc sống gia đình. Tôi cho rằng sự hy sinh không phải là một thiệt thòi nếu đó là điều bạn tình nguyện làm, cũng như mẹ tôi là một giáo viên dù bận rộn với công việc nơi giảng đường nhưng vẫn luôn quán xuyến mọi việc trong nhà rất tốt. Đổi lại, khi cảm nhận được sự hy sinh ấy, những người xung quanh cũng sẽ thấu cảm để yêu thương và bảo vệ bạn bằng bất cứ giá nào. Là phụ nữ, bạn có thể lựa chọn làm hoặc không, miễn đó là điều không ai có thể ép buộc, thì tôi tin rằng bạn sẽ không bao giờ cảm thấy thiệt thòi.
Bên cạnh sự hy sinh luôn được người khác ca ngợi là một đức tính tốt đẹp của phụ nữ, chị nghĩ đâu là một phẩm chất nên có của một người phụ nữ hiện đại?
Tôi nghĩ rằng đó là sự tử tế, vì tử tế sẽ giúp bạn hài hòa giữa bản thân và cuộc sống một cách tốt nhất. Tử tế mà tôi muốn nói đến không chỉ là cách bạn thương yêu hay đối xử chân thành với ai đó, mà nó còn là cách bạn nhìn nhận mọi việc một cách khách quan và đối xử với mọi người cũng như bản thân mình một cách xứng đáng để cảm nhận những thông điệp sâu sắc và ý nghĩa mà cuộc sống đã mang đến và dành tặng bạn.
Text: HỒNG ĐẶNG | Creative Director: HIEPLEDUC | Photo: VINH LƯU | Stylish: NHAT ANH TRAN | Make up: VU QUAN | Assistant: HOÀNG KHANG
Copyright© All Rights Reserved.